Cây chanh – một loại cây ăn quả cùng họ với cây cam, cây bưởi nhưng đến khi chín thì vẫn không ngọt như “anh em” của nó, mà càng lúc càng chua. Nhưng cũng bởi vị chua ấy làm nên nét độc đáo mà chỉ có chanh mới có.
Được đánh giá là khá dễ trồng nhưng chưa chắc đã cho năng suất và chất lượng cao, nó đòi hỏi người trồng phải có những kinh nghiệm, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc tốt.
Giới thiệu về cây chanh
Cây chanh có tên khoa học: Citrus aurantifolia, thuộc họ Cam Chanh Rutaceae.
Nguồn gốc ở Đông Nam Á.
Đặc điểm của cây chanh
Cây chanh là một loại cây ăn quả có múi, rất quen thuộc với mọi người vì nó có nhiều công dụng, nhiều lợi ích trong cuộc sống thường ngày. Chanh là loài cây nhỏ, thuộc họ Cửu lý hương.
Cây cao từ 1 – 3 m, thường mọc xòe, tán rộng, thân có gai, lá hình trứng và có mép răng cưa. Hoa chanh màu trắng ngả vàng và có gân màu tím nhạt, nở theo từng chùm.
Quả chanh khi chín có màu xanh hoặc vàng, thịt quả có vị chua, được sử dụng làm thực phẩm trên khắp thế giới, từ vỏ quả cho đến nước ép đều có những công dụng để khai thác. Gần như tất cả các bộ phận của cây chanh đều mang một mùi thơm rất đặc trưng và khá đa dạng về chủng loại.
Một số loại chanh phổ biến ở nước ta là chanh giấy, chanh không hạt, chanh tứ quý, chanh đào,…
Tác dụng của cây chanh
Chanh tuy bé nhỏ với vị chua nhưng có rất nhiều công dụng bổ ích trong đời sống của chúng ta, chủ yếu là ép lấy nước chanh để sử dụng.
– Trong ẩm thực, nước chanh được dùng làm nước giải khát, làm gia vị, để trang trí thức ăn,… hay góp phần trong công nghiệp chế biến thực phẩm (kẹo, mứt,…), hoặc để giã rượu cho các phái mạnh nhanh chóng thoát khỏi cơn say.
– Nước cốt chanh có chứa nhiều axit, nên con người lợi dụng điều đó để pha trộn thêm muối dùng vào việc tẩy rửa những chất bẩn, vết ố trên quần áo, khử mùi trong tủ lạnh, trong những nơi cất giữ thức ăn,…
– Trong y học, nước chanh không chỉ giúp thỏa mãn cơn khát mà còn kích thích các chức năng gan, thận hoạt động để giải độc cho cơ thể, tăng cường hệ thống miễn dịch và làm giảm tác động của các gốc tự do, tác động với các chất gây ngộ độc có trong thức ăn, và hỗ trợ quá trình cai thuốc lá. Các nhà khoa học đã cho biết trong quả chanh có chứa tới 22 chất chống ung thư, và vỏ chanh chính là nơi chứa nhiều nhất limonoids – chất có đặc tính chống ung thư.
– Ngoài ra chanh còn được các chị em phụ nữ sử dụng để làm đẹp, vì trong quả chanh có chứa các hợp chất chống oxy hóa rất hữu ích. Là nguyên liệu làm đẹp dễ tìm mà lại rẻ tiền, có thể dùng nước chanh pha với nước lạnh để rửa mặt hay pha trộn với mật ong, hoặc chiết xuất nha đam,… để tẩy tế bào chết, làm mặt nạ,…
Rất nhiều công dụng bổ ích có được từ quả chanh, vừa phục vụ cho việc ăn uống, vừa làm đẹp mà lại tốt cho sức khỏe. Nếu có một cây chanh trong vườn thì thật tuyệt vời.
Ý nghĩa cây chanh trong phong thủy
Cây cam hoặc cây chanh có nhiều trái chín nặng trĩu tượng trưng cho sự thịnh vượng và tài lộc của gia đình. Những cây này thường được trồng ở trước cổng nhà hoặc cổng công ty trong những ngày đầu năm tượng trưng cho sự bắt đầu phát triển tài lộc.
Theo người Hồng Kông, những quả cam chín vàng tượng trưng cho vàng, vì chữ ” cam” phát âm là ” kim” tức là ” vàng”. Vì vậy nếu trang trí các vật dụng có nhiều màu cam, vàng rực trong nhà vào những ngày đầu năm ngụ ý sẽ mang lại nhiều tài lộc. Điều này, giải thích nguyên nhân vì sao mỗi lần Tết đến, chúng ta thường mua một chậu quất có nhiều trái chín vàng chưng trong nhà.
Nếu bạn trồng một cây cam trong vườn, thì tốt nhất nên trồng ở hướng Đông Nam. Bởi vì, đây là hướng tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng. Nếu cây sai quả có thể mang lại may mắn, đại cát.
Vị trí trồng cây chanh
Bạn đừng lo lắng, nếu theo quái số hướng Đông Nam là hướng ” mất mát và thất bại ” của bạn. Khi bạn cung cấp năng lượng hoặc kích hoạt một góc nhà để tạo sự may mắn cho tất cả thành viên trong gia đình của bạn. Dù bạn không chọn được căn phòng ở hướng Đông Nam hoặc không ngồi hướng về phía Đông Nam, bạn vẫn được hưởng lợi ích. Bởi vì, tất cả các phương pháp, những cách sắp xếp trong phong thủy đều bổ sung cho nhau.
Nếu bạn là người làm vườn tinh tế, bạn sẽ nhận thấy tất cả cây cối trong vườn đều đem lại may mắn, tốt lành nếu như cây khỏe mạnh và đơm hoa kết trái. Trong phong thủy nhà ở, đặc biệt hoa cúc, tre, hoa lan và mận là những loại cây tiêu biểu đem lại ý nghĩa điềm lành, hứa hẹn điều tốt đẹp.
Hướng dẫn cách trồng cây chanh
Chọn giống
Bước đầu tiên là chọn giống chanh có phẩm chất tốt, cây giống phải sạch bệnh, cây con đúng tuổi trồng, có khả năng cho năng suất cao và chất lượng tốt. Bên cạnh đó còn cần phải xem xét điều kiện canh tác vùng trồng của mình, nhằm để cây có thể thích nghi và sinh trưởng, phát triển tốt.
Chanh có thể trồng hạt hoặc bằng phương pháp chiết cành, giâm cành. Trồng bằng hạt thì cây con sẽ đồng đều cùng tuổi và dễ làm nhưng thời gian cho trái của cây sẽ lâu hơn, tỷ lệ hạt giống bị lai tạp khá cao và mang những đặc tính không như mong muốn sẽ khó phát hiện ở giai đoạn cây con.
Với phương pháp chiết cành và giâm cành sẽ đảm bảo thời gian thu hoạch sớm hơn, và cây con giữ được trọn vẹn những đặc tính của cây mẹ mà mình đã chọn.
Thời vụ trồng
Cây chanh khá dễ trồng và trồng được quanh năm, nhưng để trồng với quy mô lớn, với mục đích kinh doanh thì bà con nên trồng tập trung vào mùa mưa để tận dụng nước mưa, tiết kiệm được chi phí và công tưới nước.
Mật độ trồng
Cây cách cây từ 2,5 đến 3 m, hàng cách hàng từ 2,5 đến 4 m. Nếu vườn chỉ trồng thuần cây chanh mà không xen canh với các loại cây khác thì nên trồng với mật độ 2,5 – 2,5 m để tận dụng được không gian một cách hiệu quả.
Đất trồng
Phải xử lý đất trước khi trồng, cày xới và phơi ải để giảm những tàn dư của sâu bệnh, giúp đất được tơi xốp. Đối với chanh thì phải đào hố trồng trước ít nhất 1 tháng, hố đào có đường kính rộng 60 – 80 cm, độ sâu thì tùy theo chất đất.
Nếu đất đồi thì sâu 60 – 80 cm, làm mô cao 0,3 – 0,8 m, rộng 0,8 – 1 m, nếu là đất bằng phẳng thì phải có đê bao khép kín, hố sâu 30 – 40 cm, đất thấp thì đắp mô cao 0,5 – 0,6 m, rộng 0,8 – 1 m.
Trước khi trồng cần tưới nước cho đất đủ ẩm, và có chuẩn bị các kênh rạch cũng như hệ thống thoát nước tốt, nếu vùng đất thấp thì phải có đê bao khép kín.
Cách trồng
Những cây con đạt chuẩn để trồng thì cao từ 50 – 70 cm. Rạch bầu và đặt cây nghiêng như thế nào phải tùy vào cây con có nhiều nhánh hay ít, các nhánh phân bố trên cây có đều hay không.
Chúng ta sẽ đặt cây nghiêng về phía nhiều nhánh hơn và cho bên có ít nhánh quay lên, để kích chồi bên và tạo tán cho cây, nếu cây đã có tán tương đối đều rồi thì đặt cây thẳng.
Sau khi đặt cây thì cắm cọc để buộc thân cây cho gió khỏi lay ngã cây. Lấp đất ngang cổ rễ hoặc cao hơn 1 – 2 cm, tránh làm vỡ bầu hay lấp đất quá sâu. Chú ý là không để cây quá nghiêng, và khi lấp đất phải nện đất cho thật chắc để đảm bảo cây đứng vững.
Ở năm đầu nên trồng xen với một số loại cây trồng khác như cây đậu, cây rau,… để tăng hiệu quả sử dụng đất trong thời kỳ kiến thiết.
Hướng dẫn cách chăm sóc cây chanh
Bón phân
So với cây cùng họ như cam, bưởi thì chanh là loại cây nhạy cảm nhất với phân bón và các chất hóa học. Bà con không nên bón quá thừa, cây sẽ dễ bị ngộ độc và nên bón theo hướng dẫn của nhà sản xuất phân bón mà bà con sử dụng.
Khi sử dụng phân bón hữu cơ sẽ giúp cho đất ít bị cằn cỗi, đồng thời cây trồng có tuổi thọ cao hơn, giúp tăng độ màu mỡ của đất, giảm ô nhiễm môi trường.
* Bón lót: Sử dụng các loại phân hữu cơ để bón vào hố trước khi trồng từ
20 – 30 ngày. Bón khoảng 1,5 – 2 kg/hố tùy vào loại đất và tình hình đất trồng, sau đó tưới nước và lấp ít đất lại. Thường xuyên tưới nước giữ ẩm trong thời gian từ khi bón lót đến khi trồng, vì thời gian này phân bón cần phải được phân giải cho đất tơi xốp, chuẩn bị dinh dưỡng để chúng ta trồng cây.
* Bón thúc: Kết hợp với việc bón thúc phân thì bà con phải làm sạch cỏ xung quanh và vun gốc. Do đặc điểm của cây chanh là thu rải rác trong năm, chứ không thu tập trung như cây cam và bưởi nên việc bón phân chia ra nhiều lần trong năm. Bón khoảng từ 4 – 5 lần/năm hoặc có thể chia thành nhiều lần hơn, trung bình 1 gốc bón khoảng 3 – 5 kg/năm, mỗi lần bón có thể là 0,5 – 1 kg/gốc.
Cứ mỗi năm bà con nên tăng lượng phân bón cho cây, nhưng không tăng một cách đột ngột sẽ dễ làm cây bị ngộ độc, mà nên tăng dần trong những lần bón. Tùy vào tình trạng năng suất mỗi vụ của cây mà bà con điều chỉnh lượng phân bón sao cho phù hợp, không gây lãng phí hay để thiếu phân.
Làm cỏ và tưới nước
Làm cỏ: Vì cây chanh rất nhạy cảm với các chất hóa học, nên bà con cần sử dụng các biện pháp thủ công để làm cỏ như dùng liềm cắt, hay dùng tay nhổ cỏ, nếu cỏ cao thì có thể dùng máy cắt cỏ.
* Tưới nước: Cây chanh là loại cây mọng nước nên nước tưới rất quan trọng, cần phải tưới đẫm để giữ đất ẩm thường xuyên. Tuy nhiên nó cũng rất sợ ngập úng, bà con nên cần bố trí các hệ thống thoát nước tốt để đảm bảo cây không bị ngập vào mùa mưa.
Tỉa cành
Đây là công việc cần được thực hiện thường xuyên trong quá trình trồng. Để cây được thông thoáng, quang hợp tốt sẽ cho năng suất chất lượng nông sản cao, đồng thời hạn chế tạo môi trường cho sâu bệnh hại tấn công.
Tỉa cành tạo tán cây sao cho cây có thể nhận được ánh sáng cả ở trong tán. Những cành khô, cành yếu hay mọc trong tán, làm cây quá um tùm, hoặc những chồi non phát triển quá nhiều, làm cây không thể tập trung nuôi những cành chủ yếu mang trái thì nên cắt bỏ.
Dùng kéo cắt cành hoặc cưa cắt cành sạch để tỉa cành, nên cắt sát vào thân chứ không chừa dư ra quá dài.
Tạo trái trái vụ cho cây
Tuy chanh cho thu hoạch quanh năm và rải rác, nhưng bà con có thể “gom” lại cho cây thu hoạch tập trung thành nhiều đợt. Bằng cách xiết nước, xiết phân khoảng 3 – 4 tuần rồi tiếp tục tưới nước, bón phân trở lại sẽ kích thích cây ra hoa đồng loạt và tập trung hơn.
Cây chanh tuy cùng họ với cây cam, cây bưởi nhưng nó nhạy cảm và có những điểm đặc biệt, đòi hỏi người canh tác phải trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật. Đảm bảo những nhu cầu thiết yếu và tuyệt đối không nên sử dụng các chất hóa học trên cây chanh.
Nên sử dụng phân bón hữu cơ để tăng tuổi thọ cho cây cũng như cho đất, lại vừa an toàn cho sức khỏe của người trồng, người tiêu dùng.
Cách phòng trừ sâu bệnh
Cùng thuộc họ cam, bưởi, quýt nên các đối tượng sâu bệnh hại cũng giống nhau. Nhưng chanh dễ bị nhiều bệnh như: Bệnh ghẻ, bệnh thán thư, rệp sáp, thối gốc chảy nhựa,…
– Bệnh đốm đen: có biểu hiện là xuất hiện những đốm tròn nhỏ, màu nâu. Cách diệt trừ là phải phun Zineb 0,5% cho cây.
– Bệnh phấn trắng: Biểu hiện của bệnh là xuất hiện những đốm nhỏ, màu xanh vàng bị bao phủ một lớp nấm xdày đặc như bột phấn. Loại trừ bệnh bằng cách phun Topsin M 0,075-0,1% + vôi bột
-Bọ xít, rệp: Cần quan sát tỉ mỉ cây hằng ngày, nếu thấy hiện tượng cây bị bọ xít cần bắt loại bỏ ngay. Đối với rệp do côn trùng quá nhỏ cần phun Bi58 0,05-0,1% cho cây ngay, tránh để rệp lan ra những cây xung quanh, nếu thấy hiện tượng rệp ở cây nhiều mà không diệt trì kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng quả.
– Sâu bùa vẽ: Là loại sâu thường hại các loại cây có múi, đặc điểm nhận dạng là cây bị sâu đục thành những đường ngoằn nghèo, biểu bì mô cây bị phồng, các lá non bị biến dạng. Cần diệt trừ loại sâu bùa vẽ bằng cách phun Padan 95WP với nồng độ 0,05-0,1% cho cây.
– Nhện trắng: Là loài côn trùng gây rám quả làm xấu hình dạng bên ngoài quả giảm hiệu quả kinh tế. Cần diệt trừ bằng cách phun lưu huỳnh bột với lượng phun là 25kg/ha
– Nhện đỏ là loài côn trùng gây hại trên lá. Diệt trừ nhện đỏ bằng cách phun Polytrin 40EC 0,1% cho cây. Đây là loại thuốc đặc hiệu để diệt trừ loại sâu bệnh này.
– Sâu đục thân, đục cành: Từ chỗ đục của sâu sẽ tiết ra những chất nàu vàng đục. Cần nhanh chóng bắt xén tóc diệt trừ, sau đó loại bỏ ngay cành chớm héo.
Do cây chanh rất mẫn cảm với các chất hóa học nên bà con không nên sử dụng thuốc BVTV, mà nên phòng trừ bằng cách tạo môi trường thông thoáng, bón phân hữu cơ để cây tự có cơ chế đối kháng với các đối tượng gây hại.
Mẹo trồng chanh cho các nhà phố trồng với số lượng ít
Để chanh ra sai quả cần lưu ý
– Vào tháng 11 âm lịch, đảo bầu gốc chanh, cắt mạnh rễ xung quanh bầu, sau đó trồng lại, tưới nước nhẹ.
Vài ngày sau tưới thưa dần để bầu đất hơi khô, cây hơi héo thì tưới nhẹ dần trở lại.
– Bón phân xa gốc.
– Lưu ý: khi chanh đã ra hoa, hoặc quả còn nhỏ xíu thì tuyệt đối ko tưới phân, không được để khô đất, đất phải luôn ẩm, nếu không hoa và quả sẽ rụng.
Giá và nơi bán cây chanh giống
Mọi người có thể tham khảo các đường link dưới đây
Để lại một bình luận